Nhà sáng lập thương hiệu Seiko, Kintaro Hattori là thợ sửa đồng hồ và doanh nhân thành đạt đầy tham vọng. Ông khát khao đưa Nhật Bản đứng vững trên bản đồ chế tác đồng hồ thế giới.
Cuộc đời doanh nhân đồng hồ Kintaro Hattori
Kintarō Hattori sinh ra ở Uneme-cho, Kyōbashi, Tokyo vào năm 1860, trong một gia đình thương nhân lâu đời. Từ nhỏ, ông đã mong muốn trở thành thương gia. Năm 13 tuổi, ông bắt đầu tham gia khóa đào tạo thương mại và kỹ thuật. Năm 1877, ông mở ‘Cửa hàng sửa chữa đồng hồ Hattori’ (Hattori Tokei Shūzensho) ở khu vực Ginza.
Hattori thành lập doanh nghiệp đầu tiên của mình “K. Hattori & Co.” ở tuổi 21 tại ở Uneme-cho, Kyobashi, Tokyo. Năm 1886, K. Hattori tập trung vào bán buôn và bán lẻ đồng hồ Thụy Sĩ nhập khẩu. Sau gần hai thập kỷ bán lẻ đồng hồ Thụy Sĩ từ các công ty nước ngoài, Kintaro Hattori đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng. Ông quyết định sản xuất đồng hồ tại Nhật Bản.
Ngay sau khi thăm nhà máy sản xuất đồng hồ treo tường ở Nagoya, Kintaro và kỹ sư tài năng Tsuruhiko Yoshikawa bắt đầu sản xuất dòng đồng hồ treo tường (đồng hồ Bonbon của Seiko) tại nhà máy Seikosha. “Seikosha” trong tiếng Nhật có nghĩa là “chính xác”, nhằm cạnh tranh với các loại đồng hồ chất lượng được sản xuất ở phương Tây.
Đến năm 1895, chỉ ba năm sau khi thành lập Seikosha, công ty đã xuất khẩu những mẫu đồng hồ của mình. Để chất lượng ngày càng được nâng cao, ông đã tới châu Âu để kiểm tra và mua các công cụ máy móc để theo kịp công nghệ và năng suất của phương Tây. Hattori trở lại Nhật Bản với thiết bị mới và một số dây chuyền tiên tiến thời bấy giờ.
Sau đó, Kintaro Hattori tung ra dòng đồng hồ bỏ túi có tên là “Timekeeper”. Chỉ vài năm sau đó, ông cho ra mắt dòng đồng hồ báo thức đầu tiên vào năm 1899, đồng hồ bỏ túi Excellent năm 1902 và đồng hồ bỏ túi Empire vào năm 1909. Năm 1905, Hattori đã mở rộng hoạt động kinh doanh của mình trên khắp Nhật Bản cũng như các nước khác (Thượng Hải và Hồng Kông), đồng thời trở thành đại lý đồng hồ lớn nhất xứ sở mặt trời mọc. Năm 1913, khi Hattori 53 tuổi, Seikosha đã sản xuất và giới thiệu tới công chúng chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên của Nhật Bản “Laurel”.
Laurel, đồng hồ đeo tay đầu tiên của Nhật Bản, là một sản phẩm mang tính thời đại cho ngành công nghiệp đồng hồ của Nhật. Đồng hồ này đã đưa Nhật Bản gần hơn với các nhà sản xuất đồng hồ tiên tiến của phương Tây khi họ bắt đầu sản xuất hàng loạt sản phẩm đồng hồ đeo tay vào khoảng năm 1910.
Trong suốt quá trình đó, để đảm bảo các nhân viên của mình được đào tạo bài bản, ông xây dựng một ký túc xá trong khuôn viên để cung cấp các lớp học buổi tối và yêu cầu nhân viên của mình học toán và thư pháp. Ngoài ra, ông thành lập các lớp học buổi tối ở cửa hàng chính của K. Hattori & Co. để cung cấp chương trình giáo dục tương đương trung học trước Chiến tranh Thế giới thứ 2. Sau đó, Trường Thương mại Hattori cũng được thành lập vào năm 1927 với chương trình bốn năm trong cửa hàng Osaka.
Sự ra đời của thương hiệu Seiko
Tháng 9 năm 1923, nhà máy Seikosha đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất từ trước đến nay bởi trận động đất lớn ở Kanto. Các vụ hỏa hoạn gây ra bởi trận động đất đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho Kintaro Hattori.
Bốn ngày sau khi thiên tai chấm dứt, Kintaro khi đó đã 62 tuổi liền tuyên bố kế hoạch xây dựng lại nhà máy Seikosha mới. Công việc khôi phục ngay lập tức bắt đầu. Bộ phận bán hàng tại K. Hattori & Co. mua và bán sỉ lẻ đồng hồ nhập khẩu vào giữa tháng 10. Việc kinh doanh trở lại toàn diện từ một cửa hàng tạm thời được ra mắt vào tháng 11.
Trận động đất đã phá huỷ khoảng 1500 chiếc đồng hồ các loại, bao gồm cả những sản phẩm nhận sửa chữa cho khách. Đứng trước sự cố ảnh hưởng nghiêm trọng đến khách hàng, Kintaro đã đăng bài quảng cáo trên báo về vấn đề này và cam kết bồi thường cho họ bằng những gì tương đương. Cử chỉ này của ông đã thu hút rất nhiều sự chú ý trong công chúng.
Nhà máy Seikosha đã tiến hành khôi phục và một vài nhà máy tạm thời khác cũng bắt đầu xây dựng. Theo sau đó lần lượt là ngành vận chuyển đồng hồ treo tường, chế tạo vỏ đồng hồ bỏ túi và làm đồng hồ báo thức. Tất cả việc phục hồi cực kỳ nhanh chóng này đều đạt được thông qua nỗ lực lao động chân tay của công nhân nhà máy.
Cũng chính trong thời gian này, việc sản xuất đồng hồ đeo tay đã bắt đầu dưới một thương hiệu mới – Seiko. Sự ra đời của đồng hồ đeo tay Seiko đã thúc đẩy công cuộc hiện đại hóa thiết bị và quy trình sản xuất của nhà máy để đặt nền móng cho sự phát triển và đột phá của công ty.
Cửa hàng K. Hattori & Co. ở trung tâm thành phố Ginza cũng được xây dựng lại vào năm 1932. Tháp đồng hồ mới được xây dựng khi đó, hiện là di sản kiến trúc nổi bật nhất của khu vực Ginza này.
Nhà sáng lập Seiko – Kintaro Hattori đã trải qua nhiều khó khăn mới có được thành tựu như ngày hôm nay. Để đọc thêm nhiều nghệ nhân về đồng hồ, anh chị em hãy theo dõi thường xuyên website của Viện Đồng Hồ nhé.
(4)