10 vật liệu vỏ đồng hồ đang được sử dụng nhiều nhất

cac vat lieu vo dong ho dang duoc su dung - 22

Khi nhắc đến các vật liệu vỏ đồng hồ, mọi người thường nghĩ ngay tới những vật liệu vỏ đồng hồ như thép không gỉ, vàng hoặc titanium… Mức độ phổ biến của các loại vật liệu vỏ đồng hồ căn cứ theo nhu cầu về độ bền, sự quý giá, khả năng chống gỉ, khả năng chống trầy. Không giống như nhiều phụ kiện khác có thể dễ dàng thay thế được, vỏ đồng hồ mà bị trầy xước thì đa số người dùng chỉ có thể đem đi đánh bóng. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể hạn chế được vấn đề này nếu ngay từ đầu chọn đúng loại vật liệu vỏ đồng hồ phù hợp với chế độ sử dụng của mình.
Vậy nên, hãy cùng Viện Đồng Hồ điểm qua những vật liệu vỏ đồng hồ đang được sử dụng nhé.

Thép không gỉ – Vật liệu vỏ đồng hồ phổ biến nhất

Trong ngành chế tác đồng hồ, đây là chất liệu đáng được nhắc đến đầu tiên bởi sự thông dụng của nó. Loại thép không gỉ được sử dụng nhiều nhất phải kể đến thép 316L (riêng với Rolex là 904L). Đây là hợp kim của sắt chứa tối thiểu 10,5 % crôm.

Nó hội tụ đủ các yếu tố như giá cả phải chăng, bền bỉ, ít trầy xước,… Hầu hết các thương hiệu đồng hồ hiện nay đều dùng thép không gỉ làm chất liệu của vỏ đồng hồ. Nó có thể được đánh bóng sáng đẹp hoặc được mạ vàng PVD tùy thuộc vào dụng ý thiết kế của các nhà chế tác đồng hồ.

Thép không gỉ 316L không quá xuất sắc trong việc chống xước nhưng nếu xước thì rất dễ để đánh bóng để quay lại trạng thái như ban đầu.
Độ cứng của Thép Không Gỉ: đạt 5.5-6 điểm trên thang độ cứng Mohs, khả năng chống trầy thấp

Chất liệu vỏ Rolex được làm từ thép 904L có độ cứng cao hơn thép 316L, và chỉ duy nhất Rolex sử dụng chất thép này trong chế tác đồng hồ.

Thép không gỉ 904L
Thép không gỉ 904L

Vàng – Chất liệu vỏ đồng hồ sang trong và có độ chống ăn mòn cao

Có rất nhiều loại vàng khác nhau, nhưng nhà chế tác đồng hồ cao cấp còn sáng chế riêng cho mình những loại vàng để phù hợp với từng sản phẩm. Các loại vàng thường được dùng trong chế tác như vàng 18K, vàng hồng, vàng trắng,…tất cả đều có khả năng chống ăn mòn rất cao, tuy nhiên, độ cứng thì thuộc hàng thấp nhất nên cũng rất dễ bị trầy xước.

Độ cứng của vàng 18K: đạt 2.5-3 điểm trên thang độ cứng Mohs, không có khả năng chống trầy.

Vàng
Vàng

Mạ vàng

Mạ vàng là phủ một lớp vàng (hoặc hợp kim có màu vàng) lên lõi kim loại (thường là thép không gỉ) để tạo cho đồng hồ giá rẻ có vẻ ngoài quý giá như vàng. Vàng vốn rất mềm nhưng đa số vật liệu vỏ đồng hồ được mạ vàng thì lại chống trầy tốt vì áp dụng công nghệ mạ lót TiN (có màu giống vàng) có độ cứng rất cao.

Lưu ý là lớp vàng thật bên ngoài vẫn trầy xước như thường nhưng vì lớp này rất mỏng nên khó thấy, khi lớp vàng phai nhạt đi để lộ lớp TiN bên dưới, đồng hồ mạ vàng sẽ có khả năng chống trầy rất tốt.
Độ cứng của lớp Mạ Vàng: đạt 9 điểm trên thang độ cứng Mohs, khả năng chống trầy ngang với Sapphire (với điều kiện lớp phủ TiN vẫn còn).

Chất liệu mạ vàng cũng là chất liệu được sử dụng phổ biến trên thị trường hiện nay.

Mạ vàng
Mạ vàng

Gốm Ceramic – Vật liệu vỏ đồng hồ bất tử cùng thời gian

Ceramic hay còn gọi là gốm, sứ Ceramic, thường là hợp chất của Zirconium qua xử lý nhiệt. Một chiếc đồng hồ có vỏ làm từ chất liệu gốm thì bạn không cần lo nó hỏng hóc hay gỉ sét. Trọng lượng Ceramic khá nhẹ, rất cứng, khi sử dụng hằng ngày, gần như chỉ có kim cương làm trầy xước được Ceramic. Vậy nên, điều bạn cần lưu ý chính là giữ nó không bị va đập quá mạnh, khi đó, chiếc đồng hồ sẽ gần như “bất tử”.

Độ cứng của Ceramic: đạt 8-8.5 điểm trên thang độ cứng Mohs, khả năng chống trầy rất cao.

Ceramic
Ceramic

Bạch Kim – Vật liệu vỏ đồng hồ được mệnh danh là nữ hoàng kim loại

Bạch kim hay còn được biết tới với cái tên là Platinum, là một nguyên tố kim loại quý hiếm có màu trắng bạc. Bạch Kim có độ cứng trung bình, rất nặng, chống gỉ sét, chống ăn mòn gần như tuyệt đối.

Vật liệu vỏ đồng hồ Bạch Kim không phải Bạch Kim nguyên chất là mà hợp kim của Bạch Kim với các kim loại khác để tăng độ cứng (950/1000 Bạch Kim + 50/1000 kim loại khác). Đồng hồ có vỏ Bạch Kim đều là sản phẩm thuộc phân khúc xa xỉ.

Lưu ý, Bạch Kim khác vàng trắng, sở dĩ dùng từ Hán Việt là Bạch Kim để phân biệt với vàng trắng (hợp kim của nguyên tố kim loại vàng có màu trắng).

Độ cứng của Bạch Kim 950: đạt 4.5 điểm trên thang độ cứng Mohs, khả năng chống trầy không cao.

Bạch Kim
Bạch Kim

Diamond like Carbon (DLC)

DLC là một dạng cacbon vô định hình, nó có sẵn một số tính chất đặc trưng giống kim cương, đặc biệt là độ cứng. DLC được dùng như một lớp phủ trong đồng hồ, bao bọc lõi kim loại bên trong để cải thiện khả năng chống trầy xước của vật liệu làm lõi.

Độ cứng của lớp phủ DLC: đạt 9.5 điểm trên thang độ cứng Mohs, chỉ có kim cương làm xước được vật liệu vỏ đồng hồ phủ DLC (với điều kiện lớp phủ DLC vẫn còn).

DLC
DLC

Tantalum

Một trong những vật liệu vỏ đồng hồ có khả năng chống trầy khá. Tantalum có màu xám bạc, vô cùng bền bỉ, có độ chống ăn mòn tốt và độ cứng còn cao hơn thép không gỉ. Tantalum thường không quá phổ biến trên đồng hồ bởi giá tiền khá đắt đỏ, tuy nhiên, trên những dòng đồng hồ cao cấp, chúng ta lại có thể dễ dàng bắt gặp. So với vàng, Tantalum là kim loại còn hiếm hơn cả vàng.

Độ cứng của Tantalum: đạt 6.5 điểm trên thang độ cứng Mohs, khả năng chống trầy khá cao.

Tantalum
Tantalum

Titanium – Vật liệu vỏ đồng hồ siêu nhẹ và bền bỉ

Titanium chứa nhiều hợp kim Titan, là một nguyên tố kim loại rất nhẹ, màu xám, độ bền cao, rất được ưa chuộng trong ngành hàng không vũ trụ. Titanium được sử dụng nhiều trong khoảng 2 thập kỷ gần đây, thời gian đầu, Titanium được sử dụng chủ yếu trong phòng thí nghiệm. Đến năm 2000, sau khi tìm được cách trích xuất Titan với khối lượng lớn, Titan đã trở thành vật liệu vỏ đồng hồ độc quyền trong ngày hàng không vũ trụ.

Tuy nhiên, đồng hồ dùng Titanium  không có khả năng chống trầy xuất xắc mà chỉ dừng ở mức độ trung bình. Nếu bạn có yêu cầu khả năng chống trầy cao hơn cho Titanium, hãy chọn đồng hồ Titanium của Citizen bởi Citizen sử dụng công nghệ ion hóa bề mặt để tạo một lớp phủ tăng độ cứng cho Titanium.

Độ cứng của Titanium: đạt 6 điểm trên thang độ cứng Mohs, khả năng chống trầy trung bình.

Titanium
Titanium

Tungsten – Vật liệu vỏ đồng hồ chống trầy xước

Tungsten là một kim loại màu trắng sáng, có nhiệt nóng chảy rất cao. Tungsten trở thành vật liệu vỏ đồng hồ vì khả năng kháng hóa chất và ăn mòn rất cao, đồng thời khả năng chống trầy và chịu lực cũng thuộc hàng khủng so với nhiều kim loại, hợp kim khác. Vật liệu vỏ đồng hồ Tungsten rất cứng, các hợp chất của nó còn cứng hơn, ví dụ như Tungsten Carbine.

Độ cứng của Tungsten: đạt 7.5 điểm trên thang độ cứng Mohs, khả năng chống trầy rất cao.

Tungsten
Tungsten

Sợi Carbon

Sợi Carbon là một trong những vật liệu vỏ đồng hồ xa xưa nhất của con người, được Thomas Edison phát minh và cho ra mắt năm 1879. Sợi Carbon có đến 90% thành phần được cấu tạo từ nguyên tố Cacbon nên chúng rất nhẹ, có đặc tính gần giống với kim cương, khả năng chống trầy xước của sợi Carbon cũng khá tốt.

Sợi carbon trong ngành đồng hồ thường được sản xuất với đường kính 7 – 10 μm và cấu thành từ khoảng 30.000 sợi đơn. Các sợi đơn gồm những tấm graphite mỏng thẳng, được cho xoắn hoặc cuộn vào nhau. Tính chất của sợi phụ thuộc vào sự định hướng của các tấm graphite.

Carbon có những đặc điểm nổi bật như khả năng chịu nhiệt cao, có độ co giãn lớn, nhẹ, bền tuy nhiên lại dễ dẫn điện và rất đắt tiền. Một số mẫu đồng hồ Carbon cao cấp có giá ngang với những chiếc siêu xe và chi phí thay thế vỏ sợi Carbon cũng vô cùng tốn kém.

Sợi Carbon
Sợi Carbon

Những vật liệu như sợi Carbon hay Titanium đều là những vật liệu vỏ đồng hồ tốt nhất mà con người hiện có thể tạo ra. Chúng thường được sử dụng trong công nghiệp chế tác vỏ cho những chiếc siêu xe hoặc những mẫu đồng hồ thể thao đắt đỏ có kích thước lớn.

(111)

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

 

 

 

Đóng So sánh ngay Xoá tất cả sản phẩm
Đóng

Tìm kiếm sản phẩm