Lần đầu tiên trong lịch sử đồng hồ, giải thưởng Silver Snoopy danh giá của NASA được trao cho thương hiệu Omega. Câu chuyện về biểu tượng Snoopy xuất hiện trên đồng hồ Omega Moonwatch trở thành khát vọng chinh phục không gian và thời gian của nhân loại.
Chú chó Snoopy
Khoảng thập niên 60, khi Charles M.Schulz lên ý tưởng về hình ảnh vui nhộn của một chú chó đáng yêu trên mặt trăng, Snoopy và NASA đã có một cuộc gặp gỡ. Hình ảnh này đã khơi gợi cho công chúng mối quan tâm về cuộc chinh phục không gian vũ trụ của người Mỹ và đưa Snoopy trở thành biểu tượng của sự khám phá.
Năm 1968, khi NASA tìm kiếm một gương mặt đại diện cho các dự án mang tính an toàn của họ, Snoopy là cái tên xuất hiện đầu tiên. Một hình ảnh về sự an toàn, thành công và một chút hóm hỉnh nhằm xoa dịu những tình huống đầy căng thẳng.
Tất cả các phi hành gia NASA đều có tình yêu với nhân vật Snoopy nên họ đã thành lập một giải thưởng danh giá mang tên chú chó. Được thiết kế bởi Charles M. Schulz, giải thưởng Silver Snoopy Award khắc họa chú chó beagle trong bộ trang phục phi hành gia với chiếc khăn choàng Flying Ace nổi tiếng.
Giải thưởng danh giá này được trao tặng bởi chính các phi hành gia tới các cá nhân hoặc tổ chức có đóng góp quan trọng trong sự thành công của những sứ mệnh khám phá không gian của con người. Từ năm 1968 đến nay, chỉ chưa đến 1% số người được đề cử nhận được giải thưởng này. Năm 1970, thương hiệu Omega đã nhận được giải thưởng này nhờ một cuộc giải cứu tàu Apollo ly kỳ.
Giây phút sinh tử trên tàu Apollo 13
Omega đã có đóng góp vô giá cho NASA khi dòng Omega Speedmaster đạt được những tiêu chuẩn nhất định để đồng hành cùng các phi hành gia thám hiểm không gian vào năm 1965. Kể từ đó, dòng đồng hồ chronograph này được tín nhiệm và đồng hành trong những thời khắc quan trọng của các nhà thám hiểm và trở thành chiếc đồng hồ đầu tiên được mang lên mặt trăng vào năm 1969.
Nhưng đến năm 1970, độ chính xác tối quan trọng của chiếc đồng hồ Omega được thể hiện trong nhiệm vụ Apollo 13. Đây cũng chính là tính an toàn mà giải Snoopy hướng đến.
Chỉ hai ngày sau khi xuất hành, một bình khí oxy trên tàu đột nhiên phát nổ. Vụ nổ làm đứt đường dây hoặc làm hỏng van trong bình oxy số 1, khiến nó mất oxy nhanh chóng. Phi hành đoàn nhanh chóng di chuyển sang mô đun Lunar. Tuy nhiên, mô đun này không được thiết kế để chứa nhiều người trong thời gian dài. Vì thế, hầu hết các nguồn điện đều phải tắt để tiết kiệm năng lượng. Điều này đồng nghĩa với việc những đồng hồ số trên tàu trở nên vô dụng.
Trong những ngày tiếp theo, Apollo 13 phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Đồng thời, NASA đã phải dốc toàn bộ sức lực để vượt qua tình hình ngày càng tồi tệ này. Tuy nhiên, vào thời khắc sinh tử, chiếc đồng hồ cơ Omega đã nhập cuộc. Do vào lúc này, mô đun đã bay lệch khỏi đường bay đã định sẵn, việc tiếp cận lại Trái đất ở một góc sai lệch và tàu sẽ lạc vào không gian mà không có cơ hội quay trở lại. Việc cần làm lúc này là thao tác việc đốt động cơ đúng chính xác 14 giây để điều chỉnh lại hướng bay của con tàu.
Đây là thời khắc không thể có sai sót nào xảy ra. Không có một chiếc đồng hồ số nào để theo dõi vào lúc này. Chỉ huy James Lovell đã tận dụng những chiếc Omega Speedmaster của phi hành đoàn để tính thời gian đốt động cơ. Một sự trấn an lớn với tất cả mọi người khi mọi thao tác được phối hợp một cách hoàn hảo và cuối cùng tàu Apollo 13 đã trở lại mặt đất an toàn vào ngày 17 tháng 4.
Giải thưởng Silver Snoopy
Omega đã được trao tặng giải thưởng Silver Snoopy Award vào ngày 5 tháng 10 năm 1970 để ghi nhận sự đóng góp quý giá vào sứ mệnh ngoạn mục này. Huy hiệu bằng chất liệu bạc 925 danh giá đã được trao bởi Thomas P. Stafford, chỉ huy trưởng tàu Apollo 10 cùng với một chứng nhận Manned Flight Awareness được phi hành đoàn Apollo 13 gồm James Lovell, Jack Swigert và Fred Haise ký tên. Kể từ thời khắc sinh tử đó, câu chuyện giữa Snoopy và Omega được khắc ghi mãi mãi, một chuyến du hành đáng nhớ giữa những vì sao.
Để tìm hiểu thêm nhiều thông tin bổ ích khác về đồng hồ, anh chị em hay theo dõi thường xuyên website của Viện Đồng Hồ nhé.
(16)