Nhiều người thắc mắc có những cỗ máy nào bên trong Omega Aqua Terra hay Omega Seamaster? Liệu chúng có liên quan gì đến cỗ máy Omega Co-axial 8500 của Omega. Viện Đồng Hồ sẽ cùng anh chị em tìm hiểu chính xác về bộ máy Omega 8500 đình đám của thương hiệu.
Tổng quan về bộ máy Omega 8500
Bộ máy Omega 8500 được trang bị bộ thoát đồng trục Co-Axial (Co-Axial Escapement) giúp cải thiện đáng kể độ chính xác, ổn định và độ bền.
Chi tiết về bộ máy Omega Calibre 8500
Vào những năm 1970, Omega đã ngừng sử dụng bộ máy Cal.1000 cho các mẫu đồng hồ của mình. Kể từ đó, thương hiệu trang bị cho sản phẩm của mình các phiên bản máy khác nhau của ETA. Tới những năm 1990, Omega mua bằng sáng chế về bộ thoát Co-axial của George Daniels. Kể từ đó, bộ thoát này như là một công nghệ độc quyền và trở thành điểm nổi bật của thương hiệu này.
Cũng như nhiều bộ máy Omega khác, Caliber 8500 được trang bị bộ thoát Co-Axial khiến nó tiên tiến và đạt hiệu quả tốt hơn các bộ máy mà ETA sản xuất. Do vậy, Omega Caliber 8500 là bộ máy cực kỳ quan trọng đối với thương hiệu. Vì đây là cỗ máy đầu tiên sử dụng hiệu quả nhất về mặt hiệu năng của bộ thoát Co-axial.
Calibre 8500 ngày nay được Omega sử dụng rất nhiều trên đồng hồ của mình, nhất là bộ sưu tập Seamaster. Để phù hợp hơn với bộ sưu tập, kích thước của cỗ máy này đã tăng lên 13% so với bộ máy 2500 mà Omega sử dụng trước đó.
Bộ máy Omega 8500 Co-axial sở hữu hai hộp cót, được phủ DLC (Diamond like Carbon) giúp giảm ma sát và do đó kéo dài tuổi thọ cho hộp cót của bộ máy. Để nạp đủ cót, anh chị em cần xoay núm 60 vòng. Các phiên bản trước của cơ chế thoát đồng trục co-Axial gặp một số vấn đề về tốc độ và gây nhiễu. Tuy nhiên, bộ chuyển động này dường như đã giải quyết được những vấn đề đó.
Những cầu nối của bộ máy gây ấn tượng về chất lượng. Chúng được thiết kế tỉ mỉ và cẩn thận. Họa tiết “Cotes de Geneve en Arabesque” được trang trí lên bộ máy giúp nó được đánh giá cao về độ hoàn thiện cũng như hút mắt hơn.
Omega Calibre 8500 có phải là In-house movement không?
Một câu hỏi được rất nhiều người hỏi về “bộ máy Calibre 8500 là nó có phải là bộ máy In-house của Omega hay không?”.
Omega cho biết, đây là máy đồng hồ In-house của hãng. Tuy nhiên, mọi người nghi ngờ về điều này vì bộ chuyển động này thực sự được thực hiện bởi ETA, với các thiết kế và công nghệ Co-Axial. Tuy nhiên, cả Omega và ETA đều thuộc tập đoàn Swatch. Vì vậy, câu hỏi “liệu có bất kỳ bộ chuyển động nào được thực hiện bởi ETA cho thương hiệu Omega, có thể được xem xét In-house hay không?”
Thông số kỹ thuật Omega Calibre 8500
- Thương hiệu: Omega
- Caliber Number: 8500
- In-House: Có, theo Omega.
- Thời gian dự trữ năng lượng: 60 giờ
- Chân kính / Jewels: 39
- Tần số dao động: 25.200 bph
- Hệ thống chống sốc: Nivachoc
- Hacking seconds: Có
- Tính năng: Bộ thoát đồng trục Co-Axial escapement và ngày
- Nơi sản xuất: Thụy Sĩ
- Cơ chế: Tự động, có thể cuộn dây bằng tay
Các biến thể của Omega Calibre 8500
Bộ máy Omega 8500 có 3 phiên bản là a, b và g. Phiên bản đầu tiên của máy 8500 được ra mắt vào năm 2007, vượt trội hơn máy 2500 với cót 60h (so với 48h của 2500), 2 ổ cót, chống shock tốt hơn và thiết kế đẹp hơn.
Ngoài ra, Calibre 8500 không có chỉnh lịch nhanh. Thông thường, như Calibre 2500 thì người đeo rút một nấc ra là chỉnh lịch. Nhưng ở Omega Calibre 8500 thì rút một nấc, núm vặn sẽ làm kim giờ tiến/lùi 1 giờ. Và nếu muốn chỉnh ngày thì phải vặn qua lần lượt từng ngày. Chức năng này thích hợp cho những người hay phải di chuyển giữa các múi giờ, chỉ cần chỉnh kim giờ còn kim phút giây vẫn chạy bình thường.
Tới năm 2011, Omega cho ra mắt phiên bản 8500b, với dây tóc được nâng cấp bằng chất kiệu silicon, kí hiệu là Si14. Vì vậy cách phân biệt là chiếc nào đáy có khắc chữ “Si14” là 8500b, còn không có là 8500a.
Đến năm 2013, thì Omega ra máy 8500g. Phiên bản này được nâng cấp để đạt chuẩn chống từ lên đến 15000 Gauss (vì vậy đặt là 8500g). Cách phân biệt giữa các đồng hồ dùng máy 8500B và G đó là 8500G dial có thêm chữ “Master” vào dòng “Co-axial Chronometer”.
Chứng nhận METAS và Calibre 8800/8900
Máy 8900 gần như là phiên bản 8500G nhưng được test và chứng nhận bởi Viện đo lường Liên bang Thuỵ Sĩ METAS với các tiêu chuẩn khắt khe hơn so với chuẩn COSC thông thường. Các thông số vẫn y hệt nhau. Máy này hiện được lắp cho các mẫu De Ville Hour Vision, Planet Ocean 43.5mm, Aqua Terra 41mm.
Calibre 8800 là thế hệ máy mới và có nhiều điểm khác biệt so với 8900. Các khác biệt lớn là nó chỉ còn 1 ổ cót, cót 55h (máy 8900 có 2 ổ, cót 60h) và máy 8800 có thể chỉnh lịch nhanh như các máy thông thường hiện nay bằng cách rút núm ra 1 nấc. Máy này hiện nay được lắp cho các mẫu Aqua Terra 38 và 34mm, Diver 300m size 42, Planet Ocean 39.5mm. Calibre 8800 cũng có chứng nhận METAS như máy 8900.
Caliber | Silicon Balance Spring | Anti-magnetic to 15,000 Gauss (Master Co-Axial) | METAS Certified (Master Chronometer) |
---|---|---|---|
8500a | No | No | No |
8500b | Yes | No | No |
8500g | Yes | Yes | No |
8800 | Yes | Yes | Yes |
8900 | Yes | Yes | Yes |
Trên đây là những thông tin về bộ máy Omega 8500. Để cập nhật thêm nhiều kiến thức khác về đồng hồ, anh chị em hãy thường xuyên theo dõi website của Viện Đồng Hồ nhé.
(113)