Trong thế giới đồng hồ Thụy Sĩ, Günther Blümlein đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục lại ngành chế tạo đồng hồ cơ tại thị trấn Glashütte sau cuộc khủng hoảng thạch anh.
Tiểu sử Günther Blümlein
Sự nghiệp của Günther Blümlein gắn liền với ba thương hiệu danh giá của ngành chế tạo đồng hồ Thụy Sĩ và Đức: IWC, Jaeger-LeCoultre và A. Lange & Söhne. Günter Blümlein sinh ngày 21 tháng 3 năm 1943, tại Nuremberg, Đức. Mặc dù lớn lên ở một đất nước đang bị tàn phá bởi chiến tranh, Blümlein vẫn hoàn thành xuất sắc việc học của mình và trở thành kỹ sư.
Từ năm 1968 đến năm 1980, ông làm việc cho tập đoàn công nghiệp Đức Diehl (trụ sở chính tại Nuremberg, Đức), chủ sở hữu thương hiệu Junghans, một trong những cái tên lớn và quan trọng nhất trong ngành chế tạo đồng hồ Đức vào đầu thế kỷ 20. Tiếp đó, Blümlein trở thành Giám đốc bộ phận của Tập đoàn với sứ mệnh tái cơ cấu ngành đồng hồ.
Sau khoảng thời gian này, Blümlein chuyển đến VDO Schindling AG, một công ty khác của Đức chuyên về đồng hồ tốc độ và dụng cụ ô tô. Năm 1978, VDO mua hai nhà sản xuất đồng hồ quan trọng của Thụy Sĩ là IWC và Jaeger-LeCoultre. Do đó, Blümlein tiếp quản công ty mới có tên là “Les Manufactures Horlogères” (hay LMH) vào năm 1980.
Bên cạnh đó, Blümlein cũng đứng sau việc tái cấu trúc JLC vì ông thấy rằng VDO có thể mua lại 20% cổ phần của công ty do một ngân hàng địa phương sở hữu và 25% cổ phần thuộc sở hữu của Vacheron Constantin. Ngay sau đó, 40% cổ phần của công ty đã được bán cho Audemars Piguet, một nhà sản xuất phụ thuộc vào nguồn lực của JLC cho một số hoạt động sản xuất của mình.
Một thành tựu quan trọng khác của Günter Blümlein là việc hồi sinh nhà sản xuất đồng hồ Đức A. Lange & Söhne ngay sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Không những thế, ông còn đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán, giúp Tập đoàn Richemont trở thành chủ sở hữu mới của LMH, bao gồm Jaeger-LeCoultre, IWC và A. Lange & Söhne.
Günther Blümlein và IWC
Khi gia nhập VDO năm 38 tuổi, Günther Blümlein được giao nhiệm vụ giám sát hai công ty mới mua là IWC và Jaeger-LeCoultre. Vào thời điểm đó, ngành chế tác đồng hồ cơ Thụy Sĩ vẫn đang chịu sự cạnh tranh của đồng hồ thạch anh, kỹ thuật số và điện tử từ châu Á. Và Blümlein đã đóng vai trò quan trọng trong sự trở lại của ngành chế tạo đồng hồ cơ.
Khi đến VDO Schindling AG, nhiệm vụ đầu tiên của Günter Blümlein là tái cấu trúc IWC. Toàn bộ kế hoạch của ông đều tập trung vào việc hồi sinh nhà sản xuất có tuổi đời hàng trăm năm tuổi trở lại vinh quang trước đây. Bên cạnh đó, IWC cũng đã cho phục hồi một trong những bộ sưu tập quan trọng nhất của mình – Đồng hồ Phi công.
Günther Blümlein và Jaeger-LeCoultre
Trái ngược với IWC, hồi sinh lại thương hiệu Jaeger-LeCoultre không phải là điều dễ dàng. Do đó, nhiệm vụ của Blümlein tại JLC hoàn toàn khác biệt. Ngoài vai trò là thương hiệu sản xuất đồng hồ, JLC còn là nhà cung cấp bộ máy cho các thương hiệu như Vacheron Constantin, Audemars Piguet, Patek Philippe và những hãng khác.
Blümlein đã thay đổi phương pháp bằng cách tận dụng các nguồn tài nguyên hiện có, đồng thời hồi sinh chiếc đồng hồ Reverso. Nhờ đó, Reverso ngay lập tức trở thành một cú hích đối với Jaeger-LeCoultre. Bằng chứng là vào cuối những năm 1990, bộ sưu tập này chiếm 65% sản lượng của thương hiệu.
Günther Blümlein và A. Lange & Söhne
Vào năm 1990, Günther Blümlein cùng Walter Lange đã bắt đầu xây dựng lại từ đầu để hồi sinh thương hiệu A. Lange & Söhne. Chỉ sau khoảng 4 năm với 20 triệu EUR, họ đã đưa cái tên A. Lange & Söhne trở lại đỉnh cao của ngành chế tạo đồng hồ không chỉ ở Đức mà còn trên toàn thế giới.
Năm 1993, Blümlein và Lange tiếp tục cho khôi phục tòa nhà Lange I (nhà máy Lange IV được khánh thành vào tháng 8 năm 2015). Nơi đây sẽ được Blümlein sử dụng để chế tạo những chiếc đồng hồ phức tạp với chất lượng cao nhất.
Günter Blümlein qua đời vào ngày 1 tháng 10 năm 2001 khi mới 58 tuổi. Và IWC, Jaeger-LeCoultre và A. Lange & Söhne vẫn đang không ngừng phát triển dựa trên các chiến lược đã được xác định dưới sự cai trị của Blümlein nhiều thập kỷ trước.
(10)