Nhiều người truyền tai nhau rằng, chỉ cần nhìn vào kim để biết đâu là đồng hồ quartz và đâu là đồng hồ cơ. Nhưng với sự xuất hiện của tính năng Dead Beat Seconds, nhận định trên lại không hẳn là đúng. Hãy cùng Viện Đồng Hồ làm sáng tỏ qua bài viết này.
Tính năng Dead Beat Seconds là gì?
Thông thường, khi quan sát đồng hồ, nếu kim giây quét qua mặt số một cách mượt mà thì khả năng cao nó nằm trên một chiếc đồng hồ cơ. Tần số càng cao thì kim giây dao động càng mượt. Ngược lại nếu kim giây giật từng số một và chỉ nhảy tiếp sau mỗi một giây thì đó có thể là một chiếc đồng hồ quartz.
Tuy nhiên, điều này lại không đúng từ khi tính năng Dead Beat Seconds ra đời. Một chiếc đồng hồ cơ có tính năng này cũng khiến kim giây của nó giật từng giây một. Ý tưởng đằng sau tính năng Dead Beat Seconds này tưởng chừng đơn giản. Tuy nhiên, về mặt kĩ thuật thì đây quả thật là một tính năng khó.
Tùy vào bộ máy bên trong, kim giây của một chiếc đồng hồ cơ nhận năng lượng từ dây cót sẽ nhảy từ 5-10 lần mỗi giây, nhiều người nhìn qua sẽ cảm nhận nó đang chạy mượt mà trên mặt số. Trong khi đó, một chiếc Dead Beat Seconds chỉ nhảy kim duy nhất 1 lần/giây.
Lịch sử tính năng Dead Beat Seconds
Tính năng Dead Beat Seconds xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ XVII, khi Richard Towneley phát minh ra bộ thoát deadbeat vào năm 1675 để trang bị cho đồng hồ trong đài thiên văn hoàng gia Greenwich. Nghệ nhân người Anh George Grahm đã đưa cơ chế này trở nên phổ biến. Cơ chế thoát kim giây nhảy trong đồng hồ cơ từ đó trở thành tiêu chuẩn của những đồng hồ quả lắc thế kỷ XVII và XVIII. Khoảng giữa thế kỷ thế kỷ XX, Omega và Rolex đã từng chế tác đồng hồ có tính năng Dead Beat Seconds trên bộ máy Omega Synchrobeat Cal. 372 hoặc Rolex TruBeat 6556.
Sự thật trớ trêu là, Seiko ra mắt chiếc Astron Quartz năm 1969. Chiếc đồng hồ chạy pin cũng có kim giây nhảy mỗi giây một nhịp. Tính năng vô cùng phức tạp trên đồng hồ cơ giờ trở thành yếu tố tiên quyết để tiết kiệm pin. Nếu kim giây cứ chạy đúng 32.768 Hz thông qua động cơ vận hành nhờ tín hiệu từ mạch điện thì chỉ vài ngày là đồng hồ hết pin. Do đó, các nhà sản xuất đồng hồ quartz phải giới hạn mạch điện và động cơ để kết nối với bánh răng cơ học để cứ đủ 32.768 nhịp dao động của tinh thể thạch anh, kim giây mới nhảy 1 giây 1 nhịp.
Cách tạo ra tính năng Dead Beat Seconds
Để đồng hồ cơ đạt được tính năng Dead Beat Seconds hiếm có này, không có một quy chuẩn hay một cách làm cụ thể nào. Đối với vài thương hiệu như Gronefeld, hãng đã cho lắp hẳn 2 bộ bánh răng riêng biệt (một điều chỉnh giây, còn một dành cho giờ và phút). Bên cạnh đó, có một cách làm khác là dùng một dây tóc duy nhất và một bộ bánh răng cấu tạo công phu hơn, làm cho tần số dao động của bánh xe cân bằng xuống còn 1Hz.
Ví dụ cụ thể về một chiếc đồng hồ có tính năng Dead Beat Seconds – Jaeger LeCoultre Geophysic True Second. Đồng hồ sở hữu bộ máy cal. 770, lò xo thoát dao động tần số 4Hz. Kim giây được điều hòa thông qua một hệ thống thoát phụ tên là “star-and-flirt”. Bánh xe hình ngôi sao lắp ngay dưới bánh răng phanh thoát. “Ngôi sao” này mỗi nhịp quay đủ để truyền động năng vào một đòn bẩy tuyến tính gọi là “flirt”. Đòn bẩy này quay đủ 1 vòng cho đến khi bị bánh răng kế tiếp của “ngôi sao” chặn lại, mỗi dao động của đòn bẩy tuyến tính này kéo dài trong vòng 1 giây và nhờ đòn bẩy kết nối trực tiếp với kim giây này. Có thể nói, kim giây đồng hồ Geophysic True Second hệt như đồng hồ pin.
Giải pháp này có một yếu điểm là bánh xe thoát tạo ra áp lực lớn hơn lên trục của nó, nơi bánh răng hình ngôi sao hiện diện. Kế đến là áp lực dồn lên chân kính giữ trụ bánh răng. Áp lực cao hơn thì ma sát cũng cao hơn, đồng nghĩa với năng lượng truyền đến lò xo cân bằng giảm đi và làm ảnh hưởng biên độ dao động của nó. Nói cách khác thì cót trữ phải đủ khỏe, mô men xoắn cấp cho bộ thoát phải đều đặn và chiếc đồng hồ này phải lên cót hàng ngày. Nếu không, về lâu dài thì thời gian sẽ bị sai lệch càng lúc càng lớn. May mắn là Geophysic True Second có búa lên cót tự động nên cũng hạn chế phần nào vấn đề này.
Bên cạnh đó, một số hãng khác có giải pháp phức tạp hơn. Đơn cử như Petermann Bédat cal. 171 tạo ra Dead Beat Seconds nhờ một hệ thống thoát phụ nằm trên hệ thống thoát chính. Sử dụng một mỏ neo 4 chấu để biến dao động điều hòa của bánh răng trở thành nhịp kim giây đều đặn. Ngoài ra, Rolex Tru-Beat cũng sử dụng giải pháp này.
Một giải pháp khó hơn là remontoire. Hệ thống này không chỉ cho phép tạo ra những bộ máy cấp mô men xoắn đồng nhất đến hệ thống thoát nhờ cót phụ mà khi tùy chỉnh để dao động 1 giây một lần, nó cũng sẽ tạo ra được hiệu ứng Dead Beat Seconds khi kết nối hệ thống bánh răng kim giây vào cót phụ. Nói cách khác, kim giây nhảy mỗi giây một nhịp là hệ quả đầy tiện lợi khi đồng hồ trang bị remontoire, chứ bản thân giải pháp này không được tạo ra để giải quyết vấn đề kim giây, mà là để xử lý vấn đề khác hoàn toàn không liên quan.
Nhờ phương pháp này mà A. Lange & Sohne Richard Lange Jumping Seconds ra đời với ô số hiển thị thời gian nảy “tanh tách”. Tuy nhiên, số tiền bỏ ra để sở hữu nó không phải là nhỏ, với giá 85.000 USD.
Để cập nhật thêm nhiều tính năng trên đồng hồ đeo tay, anh chị em hãy thường xuyên theo dõi website của Viện Đồng Hồ nhé.
(18)